Thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan: Nhận thức của chủ thể quyền là giải pháp gốc rễ

Category: Tin bản quyền tác giả Post Date: 9 Tháng Mười, 2018

Sau một thời gian có hiệu lực thi hành, Nghị định số 22/2018/NĐ-CP ngày 23.2.2018 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan không chỉ được sự hào hứng đón nhận của giới văn nghệ sĩ mà nhiều địa phương cũng hưởng ứng mạnh mẽ. Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) Nguyễn Hằng Nga khẳng định, việc ban hành Nghị định số 22 đã giải quyết được nhiều vướng mắc trong thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan.

Sau khi Nghị định số 22 có hiệu lực (ngày 10.4.2018), Bộ VHTTDL đã ban hành Công văn 1621/BVHTTDL-BQTG gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tổ chức thực hiện Nghị định.

Đến nay, đã có nhiều tỉnh, thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo tổ chức triển khai Nghị định. Cục Bản quyền tác giả cũng đã chủ trì tổ chức các Hội nghị triển khai thực hiện Nghị định, tập huấn công tác thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan tại Hà Nội, Huế và TP Hồ Chí Minh. Hàng trăm đại biểu là cán bộ Sở VHTTDL, Sở VHTT, cán bộ làm công tác quản lý và thực thi của các Phòng Quản lý văn hóa, Phòng Nghệ thuật, Thanh tra Sở… đã tham dự các Hội nghị này.

Nghị định 22 đang được các địa phương triển khai như thế nào, nhất là trong bối cảnh xâm phạm bản quyền đang diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau, thưa bà?

– Bà Nguyễn Hằng Nga: Phản hồi từ nhiều địa phương khẳng định, việc ban hành Nghị định 22 đã góp phần giải quyết được nhiều vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan. Chẳng hạn, hoạt động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan được rút ngắn thời gian trả kết quả đối với thủ tục cấp lại từ 15 ngày xuống còn 7 ngày làm việc; cấp đổi từ 15 ngày xuống còn 12 ngày làm việc.

Đối với các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan, Nghị định đã bổ sung các quy định nhằm tháo gỡ những khó khăn trong thực tiễn hoạt động của các tổ chức đại diện tập thể trong trường hợp tổ chức đại diện thu được tiền của thành viên có hợp đồng ủy quyền, tuy nhiên không phân phối được vì không liên lạc được với tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan do địa chỉ thay đổi, không tìm thấy, tác giả chết mà không có người thừa kế…

Nghị định cũng đã làm rõ quyền, trách nhiệm của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan, hướng tới việc công khai, minh bạch; đảm bảo quyền và nghĩa vụ của các bên theo quy định pháp luật. Đó là những quy định về biểu mức tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất; về thu, phân chia tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất; về khai thác, sử dụng bản ghi âm, ghi hình; về thông tin quản lý quyền tác giả, quyền liên quan.

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan trong bối cảnh hiện nay cũng được xem là một giải pháp then chốt, thưa bà?

– Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan để tác giả, chủ sở hữu hiểu đầy đủ về quyền của mình là một giải pháp đặc biệt quan trọng . Việc bảo vệ quyền nên được thực hiện ngay từ khi bắt đầu sáng tạo hoặc sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan cho đến công bố, quản lý quyền cũng như hướng dẫn cách thức, trình tự khi tác phẩm của mình bị xâm phạm.

Cục Bản quyền tác giả đã phối hợp với VTV2 xây dựng diễn đàn để giới thiệu pháp luật quyền tác giả, quyền liên quan, phát sóng vào 18 giờ 30 phút thứ Bảy hằng tuần. Nhiều hoạt động tuyên truyền khác cũng đã được tổ chức như Game show “Bản quyền và sáng tạo” nhằm truyền thông về quyền tác giả, quyền liên quan dành cho sinh viên các trường đại học; phát hành miễn phí tài liệu, tờ rơi…

Trở lại vụ việc phim Cô Ba Sài Gòn, sự quyết liệt của nhà sản xuất đã cho thấy gốc rễ của những giải pháp khắc phục xâm phạm bản quyền là vai trò nhận thức của chủ thể quyền. Tuy nhiên, những phản ứng như vậy từ phía các nhà sản xuất chưa nhiều. Bà có lời khuyên gì với các nghệ sĩ, nhà sản xuất trong việc tự bảo vệ quyền tác giả cho mình?

– Về thể chế, có thể nói văn bản pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan đã đầy đủ để bảo hộ quyền cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan. Vấn đề là bên có tài sản là các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan cần áp dụng các biện pháp và các quyền mà pháp luật trao cho để bảo vệ quyền của mình như áp dụng các biện pháp công nghệ khi công bố tác phẩm; đưa ra các thông tin quản lý quyền; các cảnh báo khi sử dụng sản phẩm sao chép…

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan luôn được Bộ VHTTDL chú trọng. Tuy nhiên, cơ bản vẫn là nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật trong công chúng. Đôi khi người có hành vi xâm phạm quyền không nhận thức được hết mức độ nghiêm trọng mà mình đã gây ra cho chủ thể quyền, điển hình như vụ việc live stream bộ phim Cô Ba Sài Gòn vừa qua.

Vì vậy, khi xảy ra sự việc xâm phạm bản quyền, cần sự vào cuộc của bên có tài sản là tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan. Chủ thể quyền cần thực hiện theo các trình tự mà pháp luật đã quy định để bảo vệ quyền của mình. Việc cung cấp chứng cứ, thông tin tài liệu cho cơ quan chức năng càng sớm thì khả năng ngăn chặn, xử lý xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan càng cao.

Cùng với đó là sự cần thiết tăng cường công tác thanh, kiểm tra, đặc biệt là đội ngũ Thanh tra các Sở VHTTDL, Sở VHTT.

Xin cảm ơn bà!

 

 ​Các hoạt động, giao dịch về quyền tác giả, quyền liên quan thuộc quan hệ pháp luật dân sự, vì vậy chỉ khi có ý kiến hoặc đơn yêu cầu của chủ thể quyền thì cơ quan chức năng mới có thể vào cuộc. Điều 49 Nghị định 22 đã quy định rõ “bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan”…
Vì vậy, việc cung cấp chứng cứ, thông tin tài liệu cho cơ quan chức năng giải quyết vụ việc càng sớm thì khả năng ngăn chặn, xử lý xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan càng cao. (Bà Nguyễn Hằng Nga -Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả)

 

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *