Thực hành sản xuất tốt (GMP) thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Health Supplements)

Category: Tiêu chuẩn GMP-HS Post Date: 9 Tháng Mười, 2018

Ngày 08/08/2016, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký Quyết định số 4288/QĐ-BYT về việc “Ban hành tài liệu hướng Thực hành sản xuất tốt (GMP) thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Health Supplements)”. Tài liệu này nêu rõ: Việc áp dụng GMP đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe là một hợp phần thiết yếu trong quản lý quá trình sản xuất ra các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe đảm bảo chất lượng, an toàn và hiệu quả nhằm đáp ứng và duy trì cho việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Bộ Y tế ban hành Quyết định số 4288/QĐ-BYT về việc “Ban hành tài liệu hướng Thực hành sản xuất tốt (GMP) thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Health Supplements)
Việc sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe bao gồm các công đoạn sau:
1. Việc sản xuất, chế biến thành phẩm cuối cùng.
2. Việc đóng gói, bao gói, dán nhãn của sản phẩm cuối cùng là các đơn vị thích hợp cho quản lý, chào hàng và bày bán.
3. Việc thực hiện bất kỳ một quá trình nào của các hoạt động trên.
Thực hành sản xuất tốt thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhằm mục đích kiểm soát toàn bộ quá trình sản xuất để bảo đảm người tiêu dùng nhận được sản phẩm có chất lượng tốt, phù hợp với mục đích sử dụng. Thực hành sản xuất tốt thực phẩm bảo vệ sức khỏe là những nguyên tắc quy định về điều kiện sản xuất bao gồm từ việc kiểm soát nguyên vật liệu đầu vào, điều kiện cơ sở nhà xưởng, điều kiện trang thiết bị dụng cụ, điều kiện con người, sự tuân thủ quy trình thao tác thực hành cũng như việc duy trì, giám sát kiểm tra, khắc phục sai lỗi và lưu trữ hồ sơ…
 
Tài liệu gồm 10 chương và 5 phụ lục sẽ được Bộ Y tế ban hành trong thời gian sớm nhất. 10 chương trong tài liệu GMP thực phẩm chức năng gồm: Hệ thống quản lý chất lượng; Nhân sự và đào tạo; Nhà xưởng và trang thiết bị; Vệ sinh; Hồ sơ tài liệu; Sản xuất; Kiểm soát chất lượng; Sản xuất và kiểm nghiệm theo hợp đồng; Khiếu nại và thu hồi; Tự kiểm tra.
 
Trong đó, về nhà xưởng và trang thiết bị, nguyên tắc để một nhà máy sản xuất thực phẩm chức năng đạt chuẩn GPM là phải xa nguồn ô nhiễm, côn trùng, động vật gây hại; có khu vực riêng để bảo quản, cấp phát, chế biến, đóng gói, kiểm nghiệm; có hệ thống thông gió phù hợp; được bảo trì, bảo dưỡng duy trì tốt.
 
Đặc biệt, khu vực sản xuất phải đảm bảo sắp xếp theo nguyên tắc 1 chiều, đảm bảo các thông số phù hợp, dễ làm vệ sinh, kiểm soát nhiễm khuẩn, khu vực bảo quản phải được bố trí riêng, khu vực kiểm nghiệm phải tách biệt khỏi khu vực sản xuất… 
 
Theo Tiến sỹ Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, thực phẩm chức năng là một lĩnh vực hiện rất nóng, quan điểm của Bộ Y tế là tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển đúng pháp luật, phát huy thế mạnh y học cổ truyền của Việt Nam, cũng như khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển theo hướng xuất khẩu. 
 
Tuy nhiên, hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng trong nước thời gian qua cũng tồn tại rất nhiều sai phạm. Hiện tại, cả nước có khoảng hơn 20.000 sản phẩm thực phẩm chức năng được công bố; trong đó có đến 60-65% sản phẩm được sản xuất trong nước. Qua công tác kiểm tra đã phát hiện nhiều sai phạm và phần lớn rơi vào các sản phẩm sản xuất trong nước… 
 
Chính vì vậy, áp dụng GMP với sản xuất thực phẩm chức năng sẽ đáp ứng được chất lượng sản phẩm, tạo hành lang pháp lý minh bạch, công bằng để doanh nghiệp phát triển lành mạnh, loại bỏ được các doanh nghiệp không đủ điều kiện sản xuất tham gia vào thị trường; hướng tới bảo vệ tốt sức khỏe của người dân. 
 
Với tinh thần phải siết chặt quản lý nhưng không “bóp nghẹt” doanh nghiệp, Bộ Y tế sẽ đề xuất lộ trình áp dụng thực hiện GMP với sản xuất thực phẩm chức năng để không ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp, đồng thời đưa thực phẩn chức năng ngày càng phát triển tốt hơn, làm tốt mục tiêu dự phòng bệnh tật./

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *