Để mua hàng hóa đúng nguồn gốc

Category: Tin mã số mã vạch Post Date: 9 Tháng Mười, 2018

Sau thông tin về một số công ty nhập nhằng, không trung thực nguồn gốc hàng hóa thời gian vừa qua, việc làm sao mua được hàng hóa đúng nguồn gốc, xuất xứ là điều băn khoăn của không ít người tiêu dùng. Sài Gòn Tiếp Thị trích đăng ý kiến của một số nhà sản xuất, chuyên gia tiêu dùng về cách giảm rủi ro khi mua hàng.

Kiểm tra mã vạch

Ông N.T., đại diện truyền thông của một thương hiệu thời trang Việt Nam, cho biết để nhận biết hàng thật giả, người mua có thể xem xét mã vạch in trên sản phẩm, bởi các sản phẩm lưu thông trên thị trường hầu hết đều phải có mã vạch.

Mã vạch gồm hai phần: mã số của hàng hóa để con người nhận diện; mã vạch dành cho các loại máy tính, máy quét đọc đưa vào quản lý hệ thống. Mã vạch có hai chuẩn thông dụng là chuẩn UPC-A và chuẩn EAN. Trong đó, chuẩn UPC-A là hàng Mỹ 100% và dành riêng cho thị trường Canada và Mỹ. Chuẩn EAN được dùng cho thị trường châu Âu, châu Á và nhiều quốc gia khác.

Ở Việt Nam, hàng hóa trên thị trường hầu hết áp dụng chuẩn mã vạch EAN của Tổ chức mã số vật phẩm quốc tế (EAN International) với 13 con số, chia làm 4 nhóm. Nhóm 1 từ trái sang phải, ba chữ số đầu là mã số về quốc gia hoặc vùng lãnh thổ; nhóm tiếp theo gồm bốn chữ số là mã số về doanh nghiệp; tiếp theo gồm năm chữ số là mã số về hàng hóa; cuối cùng là số cuối bên phải dãy số là số kiểm tra.

Cũng theo ông N.T., mã vạch của sản phẩm phải đăng ký và được cấp phép bởi tổ chức mã số mã vạch GS1. Tại Việt Nam, GS1 Việt Nam là tổ chức mã số mã vạch quốc gia của Việt Nam, trực thuộc Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Doanh nghiệp làm ăn minh bạch đều đăng ký mã vạch, theo đó chất lượng mã vạch tốt có nghĩa là mã vạch đó được in trên bao bì dễ nhận biết, đọc nhanh.

Mã vạch có hai loại: mã 8 con số và mã 13 con số, cả hai mã đều có cách nhận biết giống nhau. Để biết xuất xứ của mặt hàng, người mua có thể nhìn ba chữ số đầu tiên của mã vạch. Đơn cử, nếu 3 chữ số đầu là 893 thì mặt hàng này được sản xuất ở Việt Nam; nếu mã vạch bắt đầu là 690, 691, 692, 693 là hàng Trung Quốc; 880 là của Hàn Quốc; 885 là xuất xứ Thái Lan…

Xem thông tin trên nhãn sản phẩm

Theo một chuyên gia lĩnh vực hàng hóa tiêu dùng, việc làm giả mã vạch không phải là không thể với kỹ thuật hiện đại. Vì vậy, để xác định nguồn gốc sản phẩm, người tiêu dùng nên xem kỹ thông tin trên nhãn sản phẩm. Thông tin này được cấp phép và kiểm soát chặt chẽ bởi cơ quan chức năng, bắt buộc phải thể hiện các nội dung: tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; xuất xứ hàng hóa.

Cụ thể, những nội dung trên được thể hiện trong Nghị định 43 năm 2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa. Trong đó, tên hàng hóa phải ở vị trí dễ thấy, dễ đọc, chữ lớn và không được làm hiểu sai lệch về công dụng hay thành phần hàng hóa. Trường hợp tên của thành phần được dùng làm tên hoặc một phần tên hàng hóa thì thành phần đó phải ghi định lượng.

Bên cạnh đó, tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa không được viết tắt. Hàng hóa cùng thương hiệu được sản xuất tại nhiều cơ sở khác nhau thì tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa sẽ được ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân đó trên nhãn hàng hóa nếu chất lượng phù hợp và phải bảo đảm truy xuất được nguồn gốc.

Đối với hàng hóa được nhập khẩu để lưu thông tại Việt Nam thì ghi tên và địa chỉ của phía sản xuất và ghi tên, địa chỉ của phía nhập khẩu. Với hàng hóa của tổ chức, cá nhân làm đại lý bán hàng trực tiếp cho thương nhân nước ngoài nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam thì sẽ thể hiện trên nhãn mác tên và địa chỉ của cả hai phía.

Về xuất xứ hàng hóa, cách ghi xuất xứ theo quy định như sau: ghi cụm từ “sản xuất tại” hoặc “chế tạo tại”, “nước sản xuất”, “xuất xứ” hoặc “sản xuất bởi” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa đó. Tên này không được viết tắt.

Ngoài mã vạch, nhãn mác, đại diện một đơn vị sản xuất hàng tiêu dùng tại TPHCM cũng lưu ý người tiêu dùng nên mua hàng tại các cửa hàng, đại lý phân phối chính thức xem xét chất liệu, hình thức của sản phẩm, độ bóng, đẹp, sắc cạnh của các đường viền, chữ logo, vỏ bao bì, giá cả; kiểm tra hóa đơn chứng từ, tem chống hàng giả, thông tin nhãn phụ bằng tiếng Việt đối với hàng hóa nhập khẩu…

Khi mua hàng trên các trang mạng, người tiêu dùng nên mua ở những trang uy tín, kiểm tra hàng hóa trước khi trả tiền, xem kỹ chính sách đổi trả hàng hóa. Người mua cũng nên xem thêm phần đánh giá sản phẩm của những người đã từng mua

Số điện thoại phản ánh hàng giả:

Tại TPHCM, nếu phát hiện mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng không đúng nguồn gốc, xuất xứ, người tiêu dùng có thể phản ánh tới Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM tại số 61 Lý Tự Trọng, quận 1, TPHCM; điện thoại 028 3823 5010; email hoinguoitieudunghcm@gmail.com.

Người mua cũng có thể gọi điện tới Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng của Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương theo số 1800.6838. Đây là số điện thoại miễn phí trên toàn quốc

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *